Những hành động khiến nhân viên mất động lực

Những hành động khiến nhân viên mất động lực

Có nhiều yếu tố khác nhau để thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, để làm họ mất động lực thì có rất nhiều điểm chung.

Dưới đây là một số hành động gây cản trở nhân viên và ngăn họ trở nên năng suất, sáng tạo và tích cực nhất. Tất nhiên, đây là điều mà các nhà quản lý nên tránh bằng mọi giá.

So sánh nhân viên với nhau   

So sánh nhân viên với nhau là không công bằng và thường sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đồng nghiệp, khiến họ khó chịu và thất vọng. Nói với nhân viên của bạn rằng đồng nghiệp của họ xuất sắc như thế nào hoặc doanh số bán hàng của họ thấp nhất trong nhóm chỉ khiến họ xuống tinh thần và buộc họ phải rời đi.

Mỗi người đều khác nhau, họ làm việc khác nhau và với mỗi người thành công có thể được định nghĩa theo cách hoàn toàn riêng biệt. Có một câu ví von rằng “Nếu bạn đánh giá một chú cá qua khả năng leo trèo, nó sẽ sống cả đời với niềm tin rằng nó là một kẻ ngu ngốc”.

Hãy đảm bảo rằng bạn đánh giá nhân viên theo cách công bằng và dựa trên giá trị của chính họ. Một nhân viên bị mất động lực có thể ảnh hưởng đến toàn đội và tạo ra bầu không khí tiêu cực

Thiên vị

Chỉ cung cấp phản hồi cho một vài nhân viên nhất định hoặc thường xuyên khen thưởng một cá nhân sẽ tạo ra sự bức xúc ở các thành viên khác bởi họ không cảm thấy được sự quan tâm. Không chỉ vậy, bạn sẽ còn tạo ra những nhân viên không có trách nhiệm và không quan tâm đến công việc.

Tất nhiên bạn nên khen thưởng các nhân viên đạt thành tích cao và đảm bảo rằng những người giỏi nhất có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng đồng thời đừng khiến các thành viên khác trong nhóm cảm thấy bị bỏ rơi và dường như họ không thể khiến bạn hài lòng cho dù có làm tốt đến đâu đi nữa.

Tập trung vào sai lầm

Không ai thích bị bao quanh bởi sự tiêu cực cả. Hãy cố gắng để có một thái độ tích cực và tạo ra một môi trường làm việc tích cực. Con người mắc sai lầm là điều hiển nhiên và bạn cần học cách tha thứ.

Thay vì cứ xoáy quanh vào những sai lầm, hãy cố gắng tập trung vào các thành tích mà nhóm của bạn đã hoàn thành, dù nó nhỏ đến mức nào đi nữa. Đừng chăm chăm vào những gì đã xảy ra mà hãy tập trung vào việc cần làm tiếp theo. Điều này sẽ đảm bảo rằng nhân viên của bạn luôn duy trì được động lực và nhiệt huyết.

Kiểm soát mọi thứ

Quản lý vi mô và yêu cầu nhân viên phải được sự chấp thuận của bạn cho mọi bước họ muốn thực hiện trong công việc sẽ khiến họ cảm thấy bị kiểm soát nhiều hơn mức cần thiết. Sẽ không ai có động lực để làm việc trong điều kiện như vậy.

Hãy để cho nhân viên có một số quyền tự do. Hãy để họ tự đưa ra quyết định sáng tạo và sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết, bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả.

Đánh giá thấp nhân viên

Nói với nhân viên của bạn rằng họ đang làm tốt nhưng chưa được như kỳ vọng có thể làm giảm đáng kể lòng tự trọng của họ và họ cũng sẽ mất động lực theo thời gian nếu bạn cứ giữ thái độ như vậy.

Hãy dành cho nhân viên những lời khen ngợi mà họ xứng đáng được nhận. Nếu bạn định khen ngợi ai đó, hãy cố gắng làm nổi bật khía cạnh mà họ được đánh giá cao. Nếu nhân viên cần cải thiện, hãy trung thực và trên hết là đưa ra các góp ý mang tính xây dựng.

Thay đổi kế hoạch một cách tự phát

Không thể chắc chắn rằng sẽ không có tình huống khiến bạn phải thay đổi kế hoạch làm việc một cách bất ngờ, nhưng có sự khác biệt giữa thay đổi vì lí do chính đáng và chỉ vì bạn muốn. Không nhân viên nào thích điều đó.

Một khi muốn thay đổi kế hoạch, hãy giải thích cho nhân viên hiểu tại sao bạn phải làm như vậy, đồng thời lên ý tưởng về cách họ có thể tiếp tục công việc mà không làm mất đi động lực.

Mục tiêu phi thực tế

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cố gắng không đặt ra các tiêu chuẩn quá cao. Đặt ra các mục tiêu hoặc chỉ tiêu không thực tế không khiến nhân viên làm việc chăm chỉ hơn mà thay vào đó, khi nhận ra mục tiêu không thể đạt được, họ sẽ từ bỏ việc cố gắng và năng suất sẽ tuột dốc không phanh.

Trái lại, nếu bạn đề ra các mục tiêu rõ ràng, có thể đạt được và thường xuyên cung cấp những lời khích lệ giá trị, họ sẽ biết những gì được mong đợi ở họ và họ sẽ cảm thấy mình được đối xử một cách tôn trọng và công bằng.

Nói chung, bạn có thể dễ dàng khiến nhân viên mất động lực nếu không cẩn thận với những gì đang nói hoặc làm. Cố gắng tránh mắc những sai lầm kể trên và đảm bảo rằng mọi người trong nhóm của bạn đều hài lòng với môi trường làm việc của họ. Thực hiện những điều này sẽ khiến nhân viên của bạn hạnh phúc và muốn gắn bó lâu dài hơn.

KJOB chúc các bạn thành công !

NHÀ TUYỂN DỤNG HÀNG ĐẦU
tư vấn dịch vụ đăng tin

Kjob online